Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu thế kỷ trước: “Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ”!

Tại Đà Lạt, ngày 6 tháng 12 năm 2020, diễn ra sự kiện ra mắt sách và triển lãm ảnh của Vua ảnh nghệ thuật và kỹ thuật phân sắc độ - nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu nhân ngày giỗ lần thứ 30 của ông… Sinh năm 1928, Tại Bảo An - Tháp Chàm -  Ninh Thuận. Theo tư liệu gia đình, 1947, ông theo gia đình lên xứ sương mờ Đà Lạt lập nghiệp và gắn bó đời mình suốt 56 năm với căn nhà khiêm tốn ở cuối đường Trương Công Định. Anh Nguyễn Bá Trung, con trai ông, cũng là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Việt Nam, cho hay, từ năm 1947, cha mình bắt đầu theo đuổi và mưu sinh bằng nghề nhiếp ảnh. Sau 16 năm làm nghề và đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật, tên tuổi ông đã được vinh danh bởi danh hiệu “Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ” vào thời bấy giờ.


Nhiếp ảnh  gia Nguyễn Bá Mậu (1928-1990). Ảnh: Tư liệu gia đình


Tác phẩm DÁNG NGOẠI (xử lý kỹ thuật sắc độ, 1968) của Nguyễn Bá Mậu

Theo bài viết trên Tạp chí Ảnh nghệ thuật, số 1, xuất bản 1970, tác giả - nhiếp ảnh gia– tước hiệu quốc tế Khưu Từ Chấn viết về Nguyễn Bá Mậu: “Một con người có chiều cao trung bình, da ngâm, tánh tình điềm đạm, nói năng từ tốn, nhìn bên ngoài không có gì gây chú ý cả, nhưng bên trong ngắm ngầm chứa khối tình cảm rạt rào với một kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh vượt bực... Bắt đầu cầm máy trừ năm 1947, một thân một mình cố gắng tìm tòi với không biết bao nhiêu khổ cực và chua cay, chậm chạp nhưng bền chí đi từng bước một, đến năm 1958 mới ngang nhiên bước vào ngưỡng cửa ảnh nghệ thuật với những kỹ thuật chớp sáng, phân sắc độ nắm vững trong tay. Từ đó, những thành tích kế tiếp nhau đến với anh để ngày nay khi nói tới Nguyễn Bá Mậu, không một người ảnh nghệ thuật Việt Nam nào không biết đến anh”. 


Tác phẩm ANH VÀ EM (1962) của Nguyễn Bá Mậu

Cũng Khưu Từ Chấn viết: “Điều đáng chú ý đối với Nguyễn Bá Mậu trong các cuộc thi ảnh là nếu không tham dự, không được giải thì thôi, còn một khi được giải thì anh luôn luôn chiếm hạng đầu, như giải nhứt Hội Nhiếp ảnh Việt Nam 1963-1965 với tác phẩm “Căm tức”. Giải Danh dự Hội Nhiếp ảnh Việt – Mỹ với cúp bạc, huy chương vàng Việt- Mỹ, cúp Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, cúp Cao đàm- Cao Lĩnh 1968 với bức “Dáng ngoại”. Giải nhứt loại ảnh kỹ thuật đặc biệt từ ngoại quốc giửi tới của Salon Montesson - Pháp quốc, tháng 6/1969 cũng với bức “Dáng ngoại”, trên cả Leopold Fischer, con người được các nhiếp ảnh gia Việt Nam mệnh danh là Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ”. 


Tác phẩm NGỌ MÔN 1(xử lý kỹ thuật chớp sáng) của Nguyễn Bá Mậu

Chuyển tải niềm xúc cảm sâu lắng của cha mình, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Trung cho biết cảm nghĩ của tiên sinh Nguyễn Bá Mậu khi sinh thời:  "Nghệ thuật thật bao la, nên càng đi càng thấy cái ngút ngàn của nó. Bởi thế nên một vài thành công đã thu lượm được, tôi không dám tự mãn và nhất là tôi phát hiện thêm rằng để thành công và đạt được phần nào mong muốn, thiết tưởng không phải chỉ có tâm hồn và cố gắng là đủ, mà cần phải thêm ý chí dũng mảnh và thực tâm mới được”. 


Tác phẩm THUYỀN BƯỜM TRÊN HỒ XUÂN HƯƠNG, ĐÀ LẠT, 1959 của Nguyễn Bá Mậu

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên triển lãm ảnh và ra mắt quyển sách đầu tiên về NGUYỄN BÁ MẬU và TÁC PHẨM. Tuy chưa chuyển tải hết được gia tài đồ sộ của ông, nhưng gần 150 trang sách phần nào cũng đã khái quát được thân thế và sự nghiệp cũng  như sự đồng cảm và chia sẻ khiêm tốn với công chúng yêu ảnh trong và ngoài nước về sự tận tâm và lòng yêu nghề, da diết với quê hương của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu trong thế kỷ trước. Với khổ 25x25, song ngữ Việt – Anh - đúng chuẩn sách ảnh, được biên tập và trình bày đẹp, công phu bởi nhóm thực hiện chính là những hậu duệ họ Nguyễn, họ cũng chính là những người nổi tiếng trong giới nghệ thuật và nhiếp ảnh của xứ sương mờ và của quốc gia, như Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Thị như Loan, Nguyễn Bá Nhân và Nguyễn Bá Khiêm… 


Tác phẩm GA XE LỬA ĐÀ LẠT, 1957 của Nguyễn Bá Mậu

Tại sự kiện ra mắt sách và triển lãm ảnh, gia đình đặc biệt giới thiệu một phần tác phẩm đạt giải tiêu biểu qua các cuộc thi lớn trong nước và thế giới mà Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đã từng tham dự, từ năm 1962 đến năm 1975. Ngoài ra, quyển sách còn công bố chính thức những tác phẩm phong cảnh với góc nhìn thơ mộng và độc đáo của Đà Lạt cùng một số địa phương nơi ông ra đời, từng sinh sống và lập nghiệp.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đã để lại cho gia đình một sự ngưỡng mộ và niềm hãnh diện. Con trai ông -Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Trung nói: “Chúng tôi, những người con của ông, xin trân trọng cảm ơn và chia sẻ đến công chúng và những người yêu ảnh những tác phẩm “con người và cuộc sống” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu…”.


Tác phẩm CYCLOS (xử lý kỹ thuật phân sắc độ), 1970 của Nguyễn Bá Mậu

Chúc mừng sự kiện đặc biệt của gia đình nghệ thuật - cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu và xin thắp nén hương tưởng nhớ nhân ngày kỵ cơm ông lần thứ 30! 

Sài Gòn, mùa Giáng sinh, 2020

GIẢN THANH SƠN

(Ts, ký giả và nhiếp ảnh gia tự do)

Dưới đây là một số tác phẩm ảnh tiêu biểu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu:


Tác phẩm EM ĐÓI (xử lý kỹ thuật phân sắc độ) của Nguyễn Bá Mậu


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu với nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Ảnh: Tư liệu gia đình


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu với nhà thơ Vũ Đình Liên. Ảnh: Tư liệu gia đình


Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Ảnh: Tư liệu gia đình

NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN BÁ MẬU:

Hội viên Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam (Sài Gòn) - 1963

Hội viên Hội Ảnh Nghệ Thuật (APA - Sài Gòn) (tước hiệu F.APA năm 1974) - 1968

Hội viên Hội Nhiếp Ảnh KBC (Sài Gòn) - 1973

Hội viên Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (tước hiệu A.RPS) - 1973

Ban Giám khảo Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (APA) - 1974-1975

Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam truy tặng Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam – 2001