Phim cho tuổi thiếu niên: Giàu tiềm năng mà khó làm

Phim cho tuổi thiếu niên: Giàu tiềm năng mà khó làm


Hiệu ứng của Em chưa 18 cho thấy, phân khúc phim nhắm tới đối tượng chính là khán giả ở độ tuổi thiếu niên vẫn rất giàu tiềm năng nếu biết khai thác một cách mới mẻ và chạm được tới cảm xúc của họ.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua đã có kha khá phim điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập, sitcom có đề tài nhắm đến đối tượng khán giả tuổi thiếu niên được sản xuất. Trong đó, các bộ phim truyền hình, sitcom như Kính vạn hoa, Gọi giấc mơ về, Cổng mặt trời, Những thiên thần áo trắng, Nữ sinh, Cầu vồng đơn sắc, Chit & Pi, Bộ tứ 10A8, Tiệm bánh Hoàng tử bé, 5S online..., hay phim điện ảnh như Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... từng có chỉ số rating khán giả cao hoặc doanh thu phòng vé rất khá khi phản ánh chân thực và sống động thế giới tuổi thiếu niên, theo kịp sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi này bên ngoài xã hội.

Ngoài ra, các phim này có diễn xuất của dàn diễn viên - được xem là tâm điểm thu hút khán giả - khá đồng đều và hợp vai, âm nhạc và hình ảnh được chăm chút nên dễ nghe, dễ cảm và màu sắc khá lung linh. Có thời điểm, nhờ hiệu ứng khán giả quá tốt của một vài phim mà dòng phim này từng được sản xuất khá "ồ ạt".

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng phim về tuổi thiếu niên thất bại lại nhiều hơn, khiến thời gian gần đây, khi thị trường phim điện ảnh và cả phim truyền hình đều trầm lắng, các nhà sản xuất không còn "mặn mà” với dòng phim này nữa.

Khi Em chưa 18 gây "sốt" suốt gần một tháng qua, nhiều nhà sản xuất đồng ý rằng, phim về tuổi thiếu niên vẫn là mảng đề tài hấp dẫn để khai thác. Chỉ có điều, làm phim về tuổi thiếu niên rất khó, phải tìm hiểu lứa tuổi này nghĩ gì, muốn gì thông qua những bài học giáo dục thật nhẹ nhàng nhưng không nặng tính lý thuyết. Hơn nữa, trong phạm vi nào đó, phim ảnh không đơn thuần mang tính giải trí mà sẽ ảnh hưởng không ít đến đời sống tinh thần, tình cảm, lối sống của đối tượng nó hướng đến.

Ngày nay, lứa khán giả thế hệ 9X, 10X lớn lên cùng internet, mạng xã hội và có quá nhiều lựa chọn về phim ảnh khi phim Mỹ, Hàn, Nhật về đề tài tuổi thiếu niên nở rộ trên các kênh truyền hình và các rạp chiếu. Vì được thưởng thức rất nhiều phim thuộc dòng phim này của nước ngoài, nên cách nhìn nhận vấn đề của khán giả trẻ cũng thay đổi nhiều.


Em chưa 18 không mới, vẫn là đề tài học đường nhưng không có những bài rao giảng đạo lý giáo điều, mà là cuộc sống thực tế của những đứa trẻ chưa đến tuổi 18 thời hiện đại, khác và rất lạ. Có thể nhiều phụ huynh khó chấp nhận việc con mình chưa đủ 18 tuổi mà thường xuyên tiệc tùng, đi chơi ở quán bar và dính líu tới những chuyện yêu đương rắc rối. Nhưng những tình tiết trong phim ngoài xã hội không thiếu, chúng rất thật, rất đời và quan trọng là vẫn giữ được tính chất văn minh.

Đạo diễn Charlie Nguyễn của Em chưa 18 cũng nhìn nhận, phim ăn khách chính là nhờ có sự đột phá trong nội dung cũng như cảm xúc đọng lại nơi khán giả sau khi xem phim. Dù phim có những tình tiết khá "Tây" nhưng tư tưởng gia đình xuyên suốt là tình bạn giữa 2 cha con. Hãy làm bạn với con thay vì lấy quyền làm cha mẹ để áp đặt, trách móc chúng. Đó là điều không phải gia đình châu Á nào cũng có thể làm được khi mạnh dạn phá bỏ hàng rào cách biệt giữa các thế hệ.

Trong hàng trăm suất chiếu, khán giả thiếu niên luôn chiếm số đông, cho thấy phim đã chạm được tới cảm xúc và suy nghĩ của họ.

Cái khó nữa để khai thác tiềm năng của dòng phim dành cho tuổi thiếu niên bấy lâu và cả hiện nay là đa số đạo diễn được nhà sản xuất chọn làm phim đều đã lớn tuổi, một số được xem là trẻ thì cũng đã trên 30. Bởi vậy khó trông chờ ở họ những đột phá mới mẻ ở cách diễn đạt, thể hiện thông điệp phim hay diễn xuất trẻ trung của diễn viên. Chưa kể tâm lý muốn an toàn của các nhà sản xuất cũng chi phối nhiều đến sự bứt phá của ekip làm phim.

Và như một nhà sản xuất vạch ra, cái khó nhất vẫn là tìm được kịch bản phim phù hợp. Có thể dễ dàng nhận thấy, nội dung của đa số phim trước đây vẫn chỉ tập trung vào tình tiết hài hước, "quậy" của lứa tuổi thiếu niên chứ ít đi sâu vào những vấn đề thực tế mà lứa tuổi này đang phải đối mặt. Giống như đội ngũ đạo diễn, đa số biên kịch chuyên nghiệp cũng đều đã qua tuổi thiếu niên, còn các bạn trẻ thì chưa đủ sức trong các dự án dài hơi, chủ yếu viết kịch bản phim ngắn, phim trực tuyến... không quá khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, kênh phát hành.

Dẫu vậy, trong số những phim điện ảnh sắp ra mắt, sắp khởi quay, vẫn có một số phim về tuổi thiếu niên như Gái xinh nổi loạn (kịch bản chuyển thể từ vở kịch cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng trên Sân khấu kịch IDECAF), Cô gái đến từ hôm qua (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), Yêu đi, đừng sợ (kịch bản được Việt hóa từ phim Hàn Quốc), Em trên 18 (tác phẩm tiếp theo của Em chưa 18, nhưng không phải là phần 2)... Hãy chờ xem!