"Phở" và Ngọc Thảo cùng hội ngộ trong phim ngắn "Tôi là ai"

Trong bối cảnh hiện nay, phim sitcom, web-drama, phim ngắn… dành cho học sinh hay như mọi người vẫn thường gọi là phim học đường xuất hiện rất nhiều và gần như đều đặn, liên tục trên Youtube. Điều này chứng tỏ các khán giả trẻ vẫn luôn rất cần món ăn tinh thần này. 


Với “Tôi là ai”, Yeah1Network mong muốn mang đến cho các khán giả một bộ phim không chỉ đơn thuần là giải trí mà bên trong đó còn là những thông điệp và những bài học ý nghĩa. Tôi là ai” được lấy bối cảnh là một ngôi trường trung học, với các cô, các cậu học sinh đang trong giai đoạn định hình tính cách và ước mơ của chính mình.


Ở đó có An (Ngọc Thảo thủ vai), một du học sinh trở về từ Mỹ cùng bố mẹ, cô gái hồn nhiên, vô tư và luôn muốn mình có thể làm được “điều gì đó”. Từ một mong ước hồn nhiên, An dần bị cuốn vào vòng xoáy của ganh ghét, của sự bồng bột và phút chốc đã đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Sự đánh giá, suy xét và cái tham vọng được trở thành ai đó vô tình thành một áp lực với An, đây cũng chính là mặt tối của tất cả các nhân vật trong phim. 

Vy vì muốn che giấu đi nỗi cô đơn từ trong gia đình của chính mình nên bằng mọi giá phải trở nên nổi tiếng và có sự ngưỡng mộ của mọi người, hào quang bủa vây là liều thuốc giúp Vy cảm thấy bớt trống trãi, từ đó cô luôn phải chiến thắng bằng mọi giá. Kẻ thù của Vy là An, bởi cô cảm nhận An sẽ chiếm được ngôi vị của mình. 


Thầy giám thị Tô do Tô Bửu Phát hay còn được biết cái tên là 'Phở' thủ vai

Ở ngôi trường đó, có thầy giám thị Tô (Phở thủ vai) vì muốn che đậy và chối bỏ một quá khứ hư hỏng khiến cho gia đình tan nát, vợ mất, con vào trại cai nghiện và muốn làm lại từ đầu từ sai lầm nên thầy đã đi làm giám thị để dạy dỗ học sinh, nhưng thực sự nỗi đau vẫn ở đó, con thầy vẫn thù hận và ở trong trại cai nghiện. Tất cả những gì thầy làm là để con mình có thể tha thứ và có thể quay về với thầy. 


Tiko Tiến Công

Cô giáo Thư với một quá khứ nghèo khó và một người cha quê mùa, cô sợ cái nghèo đến mức phủi đi tất cả những giá trị cao đẹp nhất của tình phụ tử chỉ để giữ lấy cho mình một vẻ hào nhoáng giả tạo. 


Ngọc Duyên vai Thùy Tiên

Tất cả các nhân vật liên kết với nhau, là mắt xích tạo nên một câu chuyện, một bức tranh rất rõ nét về hiện thực xã hội ngày nay. Một xã hội mà người ta lắm lúc vì mải miết chạy theo hư danh ảo vọng mà bỏ quên mất chính mình, rồi một ngày nếu không kịp nhìn lại thì tất cả chẳng còn lại gì bởi chính mình đã mất thì còn gì có thể giữ lại?


Minh Dự và Lê Thư



“Khi bị rắn cắn, điều bạn cần làm là lấy hết nọc độc của nó ra khỏi người mình trước khi chất độc lan toả và xâm chiếm toàn bộ cơ thể bạn. Các bạn nhìn sang bên cạnh của mình đi, có người chúng ta thích, có người chúng ta ghét, nhưng, sau những gì gây ra, tôi nhận ra rằng: việc bạn chê ai đó mập không làm cho bạn ốm đi, chê ai đó xấu cũng không khiến bạn đẹp lên, và cố gắng dìm người khác xuống càng không khiến bạn được nâng lên.Vậy nên, việc chúng ta cần làm không phải là đi xem người khác như thế nào để mà cố hơn họ. Dù bằng cách này hay cách khác, việc cố gắng chạy theo một hình mẫu do thiên hạ đặt ra là một việc…không thể!!! Tôi không biết cách, và tôi chắc chắn rằng ở đây không một ai biết cách làm thế nào để trở nên hoàn hảo cả. Vậy nên, các bạn, hãy thôi tỏ ra mình là người biết tất cả, hiểu tất cả và…hãy một lần thôi, ngừng đánh giá người khác!”.


Đó là những câu thoại đã thức tỉnh tất cả các nhân vật trong phim của An ở tập cuối, khi cô đã kịp nhìn lại mình, nhìn lại những điều vô nghĩa và nhận ra giá trị thực sự của mỗi người. Đó cũng là thông điệp mà bộ phim “Tôi là ai” muốn mang lại cho khán giả. Mở ra một cái nhìn khác về phim ngắn học đường, không còn là những bộ phim nội dung mờ nhạt, thay vào đó là sự đầu tư nghiêm túc về tất cả các khía cạnh để mang đến những sản phẩm thực sự có giá trị cho khán giả.