Sáp nhập bộ máy cần tránh “Giữ người nhà, mất người tài”

Thực hiện Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, một số địa phương đang tiến hành sáp nhập các đơn vị, sở, ngành tương đồng về chức năng. 


Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp.

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp  cho rằng, việc sáp nhập cần phải đảm bảo yêu cầu bộ máy vừa gọn vừa tinh. Đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng, chú ý tránh việc “giữ người nhà, mất người tài”.

Kỳ vọng về bộ máy bớt cồng kềnh

Mới đây, kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai. Việc sáp nhập 2 sở lại với nhau nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và các địa phương khác.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa cho biết: Nhân dân và cử tri rất kỳ vọng về vấn đề sắp xếp lại bộ máy hành chính từ trung ương tới tận cơ sở. Hiện nay Bộ Nội vụ có dự thảo trình Chính phủ để ban hành Nghị định mới, hướng dẫn về việc này. Tôi cho rằng đây là động thái rất quan trọng của Bộ Nội vụ.

Một số địa phương như Lào Cai, Bạc Liêu và một số các tỉnh khác cũng đã có những kế hoạch để chuẩn bị cho việc hợp nhất, sáp nhập bộ máy. Dự thảo tờ trình của Bộ Nội vụ cũng rất tạo điều kiện để căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất. Vấn đề bây giờ là các địa phương cần phải có quyết tâm thực hiện việc này. Cùng với đó có sự cân nhắc kỹ lưỡng để thực hiện sao cho có hiệu quả.

Theo ông Hòa, việc sáp nhập, hợp nhất là một cơ hội lớn để thực hiện việc tinh giản bộ máy, giảm bớt việc chi thường xuyên ngân sách trong việc cho cán bộ, bộ máy bớt cồng kềnh, gọn gàng và hoạt động hiệu quả hơn. Từ việc sáp nhập này cần phải xây dựng được đề án việc làm, tính toán đúng người, đúng việc, đúng vị trí việc làm để giảm bớt cồng kềnh, thu gọn đầu mối.

“Rõ ràng, việc sáp nhập này không phải là phép cộng cơ học, mà việc sáp nhập phải đúng người, đúng việc để bộ máy được tinh gọn và hiệu quả hơn. Tuy vậy, việc sáp nhập sẽ sinh ra vấn đề lao động, cán bộ dôi dư. Do đó cần phải có việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này sao cho hợp tình, hợp lý. Với những lao động dôi dư cũng cần có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho phù hợp” - ông Hòa nói.

Công tác cán bộ cần phải công tâm, khách quan

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cũng lưu ý, trong việc sáp nhập các sở, ngành với nhau, công tác cán bộ phải được theo dõi một cách bài bản, đánh giá cán bộ một cách vô tư, công tâm, khách quan, trung thực. Nếu không khéo sẽ để xảy ra tình trạng bố trí hậu duệ, người nhà, người quen, người thân thiết vào những vị trí chủ chốt, thay thế những vị trí dôi dư là không tốt.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, việc sáp nhập cần phải đảm bảo yêu cầu bộ máy vừa gọn vừa tinh. Đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng, chú ý tránh việc “giữ người nhà, mất người tài”.

“Để giải quyết vấn đề nhân sự khi sáp nhập sở, ngành thì chúng ta cần phải theo dõi quá trình hoạt động, tổ chức thi tuyển, sát hạch, phân loại đánh giá cán bộ, nhân viên một cách chính xác để từ đó lựa chọn, giữ lại những người làm việc hiệu quả, còn những người không đáp ứng được yêu cầu thì tự tìm cho mình một công việc khác phù hợp với năng lực của bản thân.

Việc này cũng cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Cần phải công tâm, chọn được người có tài, người có tâm vào bộ máy. Như vậy mới có thể thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người cán bộ phục vụ nhân dân” - ông Hòa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hòa, với tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch, đề án về việc sáp nhập các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Sau khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các đơn vị sẽ bắt tay vào thực hiện ngay. Việc này cũng được xem xét hết sức thận trọng, thực hiện đúng theo các quy định của Đảng, Nhà nước.

Nhiều địa phương cũng nhìn nhận rằng, việc tách ra bao giờ cũng dễ hơn vì có thêm chức, thêm quyền. Đây là vấn đề rất khó khăn bởi không chỉ một sớm, một chiều mà xong được. Việc tách ra thì dễ nhưng nhập lại, giảm ghế, dôi dư người là việc rất khó. Do đó, rất cần quyết tâm của các tỉnh, địa phương cũng như sự bài bản trong công tác tổ chức.

TRẦN VƯƠNG

Theo LAOĐỘNG