Usain Bolt kiếm tiền không chỉ nhờ chạy

Usain Bolt kiếm tiền không chỉ nhờ chạy

Khó có thể cạnh tranh thu nhập với các đồng nghiệp ở những môn thể thao khác như quyền Anh, bóng rổ, quần vợt, bóng đá..., nhưng Usain Bolt chắc chắn là số một trong làng điền kinh. 

Kể từ khi nổi lên trong buổi bình minh sự nghiệp ở những năm 2000, Usain Bolt đã bứt phá trong cả đường đua lẫn sự nghiệp. Vận động viên chạy nước rút người Jamaica hiện là người đàn ông tốc độ nhất thế giới, đã xô đổ mọi kỷ lục của đường đua 100m, và thường chỉ phá kỷ lục của chính mình.


Vua tiền thưởng

Tờ Telegraph (Anh) tuần trước cho biết hiện nay Usain Bolt có giá trị 45 triệu bảng. Tạp chí Forbes trong khi đó đánh giá tổng tài sản của Bolt vào khoảng 26,1 triệu bảng, và có thể lọt vào vị trí thứ 23 trong số các vận động viên thể thao giàu nhất hành tinh. Năm ngoái, Bolt xếp thứ 88 trong danh sách những người nổi tiếng giàu nhất.

Mặc dù tiền thưởng từ các cuộc thi chạy "chỉ" đem về cho Bolt 1,7 triệu bảng, song đó đã là mức cao bất thường đối với những đồng nghiệp, cụ thể là gấp 20 lần số trung bình. Theo đó, một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp ở Mỹ kiếm 12.780 bảng/năm, ở Canada là 10.750 bảng. Người chiến thắng trong cuộc thi của Samsung Diamond League chỉ nhận 31.000 bảng, tức chỉ khoảng 1,24% thu nhập trung bình của Bolt tính riêng tiền thưởng.

Trong thể thao, điền kinh - đặc biệt là nội dung chạy nước rút, đã luôn là biểu tượng tại các Thế vận hội, hoặc biểu trưng cho tinh thần chiến đấu. Nhưng bất chấp được chú ý rộng rãi, điền kinh lại không phải "mỏ vàng" cho các vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên nhận định này không đúng với Bolt "Tia chớp".

Các giải như Diamond League chỉ thưởng cho nhà vô địch khoảng 8.000 bảng. Dù không thể so sánh với một siêu sao bóng đá như Cristiano Ronaldo (người chỉ mất 4 tiếng rưỡi để làm ra số tiền ấy tính theo lương đơn thuần), song nếu đặt cạnh các đồng nghiệp thì Bolt nhiều hơn gấp 23 lần, với một chiến thắng toàn giải Diamond League Race có giá trị 210.000 bảng.

Một huy chương vàng của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) có giá trị khoảng 46.500 bảng, một huy chương bạc là 23.000 bảng, và một kỷ lục thế giới được thưởng 77.500 bảng. Bolt đã có 11 huy chương vàng, một bạc, hai kỷ lục thế giới cá nhân và hai kỷ lục thế giới tiếp sức. Tính ra, vận động viên 31 tuổi đã có 728.250 bảng tiền thưởng, dù các vận động viên người Jamaica không nhận tiền thưởng Olympic như những người khác.


Vua quảng cáo

Năm 2013, thời điểm Bolt đạt đỉnh cao với vị trí 48 trong danh sách người nổi tiếng thu nhập cao nhất thế giới, anh đã nhận thêm 3,1 triệu bảng/năm với nhà tài trợ Puma theo hợp đồng tới năm 2025.

Trước Olympic Bắc Kinh 2008, Bolt chỉ có hợp đồng với Puma và công ty điện thoại Digicel ở Jamaica. Nhưng CEO Jochen Zeitz của Puma từng đặt giá trị quảng bá của Bolt lên tới 277 triệu bảng sau khi vận động viên này lập kỷ lục tại World Championships ở Berlin năm 2009. Khi ấy, thương hiệu thể thao Đức này ký với Bolt hợp đồng tài trợ 8 triệu bảng/năm, nhiều hơn khoản tiền mà các ngôi sao như Ronaldo, Maria Sharapova (quần vợt) hoặc Kobe Bryant (bóng rổ) có với hãng Nike.

Ở lĩnh vực tài trợ, Bolt không chỉ cạnh tranh với những ngôi sao ở cùng môn, mà còn với những biểu tượng toàn cầu như Lionel Messi ở môn bóng đá, LeBron James ở môn bóng rổ. Tính đến nay, trong sự nghiệp anh đã có hợp đồng với 10 đối tác toàn cầu và 7 đối tác vùng khác nhau.

Ở vị thế một nhà vô địch đích thực, Bolt có thể là "Midas" khi tất cả những gì anh chạm vào đều có khả năng biến thành "vàng". Usain Bolt không chỉ giỏi, mà còn khá hài hước. Anh từng cướp một chiếc máy ảnh của phóng viên sau khi về nhất tại Olympic London 2012, và nhanh chóng tạo ra một cơn sốt toàn cầu. Chắc chắn chiếc Nikon ấy cũng hưởng lợi rất nhiều.

Telegraph cũng "tự hỏi" rằng tại sao nhãn hiệu thức ăn nhanh McDonalds đến nay vẫn chưa ký hợp đồng với Bolt. "Tia chớp" đã từng nổi đình nổi đám ở việc ăn 1.000 miếng gà trong suốt thời gian diễn ra Olympic 2008 ở Bắc Kinh, và cũng tình nguyện quảng cáo không công cho hamburger.