Quản lý hành chính - buông lỏng và hành dân

Theo báo cáo của HĐND TP HCM, có đến hàng nghìn hộ dân chưa cần đến “sổ đỏ” nhưng diễn biến trên thực tế lại khác. Theo phản ánh của người dân tại huyện Hóc Môn thì rất nhiều hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị “ngâm” rất lâu và dân “dài cổ sổ đỏ”.


Hình minh họa

Có trường hợp trả lời do chưa hợp lệ, dân khiếu nại lên trên, trên bảo đúng và đủ rồi nhưng cấp huyện… vẫn để đấy. Có trường hợp phải xác thực lại nhưng qua 3 lần xác nhận thì vẫn yêu cầu xác nhận một nội dung ấy. Đó là hành dân!

Ở quận Hải An (Hải Phòng) có chuyện ngược đời là buộc người dân phải bỏ tiền ra để trả cho đơn vị lập quy hoạch khi có nhu cầu làm “sổ đỏ”, một người dân đã phải bỏ ra 10 triệu đồng cho trường hợp xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để có bản quy hoạch đó. Việc hành dân sai trái này khi bị phát hiện thì quận “đổ thừa” cho Sở Xây dựng đã hướng dẫn, tuy nhiên, Sở đã bác bỏ chuyện “đá bóng trách nhiệm” này.

Ngược lại, việc xây dựng không phép hoặc trái phép lại đã xảy ra tại thành phố Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều trường hợp chính quyền sở tại nơi đây hợp thức hóa cho các trường hợp sai phạm, yêu cầu phải xem xét lại. Đó là sự buông lỏng.

Tại Nghệ An, qua thanh tra phát hiện 569 trường hợp lập hồ sơ giả để được công nhận thương binh, đề nghị truy thu hơn 100 triệu đồng. Đây là hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật, không chỉ truy thu số tiền và cần truy tố các cán bộ đã để hàng trăm bộ hồ sơ giả “hợp thức hóa” thành thật.

Ngành Giáo dục vừa có hội nghị tổng kết năm học cũ, đã chỉ ra tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ và có những vi phạm nghiêm trọng trong việc tuyển giáo viên ở các địa phương. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, nếu vi phạm nghiêm trọng mà không xử lý rốt ráo thì vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hiện tượng buông lỏng quản lý, hành dân, vi phạm quy định, pháp luật của cán bộ là khá phổ biến, xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Thậm chí, có vụ việc còn trái đạo lý, suy thoái đạo đức như việc tiếp tay làm hồ sơ thương binh giả, ăn chặn hàng cứu trợ, trục lợi chính sách đối với người có công hoặc đối tượng nghèo, tàn tật. Mới đây, một Chủ tịch xã đòi “bồi dưỡng” 3 triệu đồng để lập hồ sơ cứu trợ thiên tai là một ví dụ, hoặc, ở một Tòa án huyện, cứ nộp đơn ly hôn là “vòi” 5 triệu đồng đã thành nếp rồi, ai không nộp có nghĩa là vụ ly hôn sẽ “ngâm” đấy, còn lâu mới thụ lý. 

Những dẫn chứng trên cho thấy vì sao niềm tin của nhân dân vào cán bộ bị giảm sút nghiêm trọng. Nạn tham nhũng vặt và vòi vĩnh đã quá lộ liễu mà không được chấn chỉnh kịp thời nên đã để xảy ra cơ sự này. 

Nhị Ngọc

Theo Pháp luật VIỆT NAM