Triển lãm tranh Hà Nội xưa cuốn hút khán giả Sài Gòn

Giới yêu hội họa ôn kỷ niệm về Hà Nội thập niên 1950 với những bức tranh lần đầu được công bố của họa sĩ Lê Văn Xương.

Sự kiện Điều kỳ diệu trưng bày 101 bức tranh của họa sĩ Văn Xương từ ngày 21/9 tại TP HCM. Chương trình lần đầu giới thiệu nhiều tác phẩm về Hà Nội thập niên 1950 - 1960 của Văn Xương, với sự góp mặt của vợ cố họa sĩ - văn sĩ Trần Diệu Tiên - và con gái ông, nhà sưu tập Lê Y Lan. 


Bức vẽ chợ Đồng Xuân của họa sĩ Văn Xương.

Tại triển lãm, không gian bàng bạc của Hà Nội xưa được tái hiện qua những bức họa về địa danh, thắng cảnh nổi tiếng bằng chất liệu bột màu, phấn tiên... Đó là một góc chợ Đồng Xuân với cảnh các bà, các chị thong dong tản bộ trong tà áo dài, là phố Hàng Buồm nhộn nhịp người kéo xe, buôn thúng bán bưng... Đó còn là bóng hoàng hôn vàng vọt đổ xuống góc xóm nghèo nơi con phố Trần Nhật Duật, là mặt nước trong veo soi bóng chùa Trấn Quốc... Hầu hết tác phẩm của Văn Xương thấm đẫm màu xanh, tô điểm bằng mảng xám khói phảng phất ưu tư của một Hà Nội thanh bình giữa thế kỷ trước.

Sự kiện thu hút nhiều người vốn ngưỡng mộ nét cọ của cố họa sĩ. Ông Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, đánh giá Văn Xương là một họa sĩ đặc biệt của thế kỷ 20. Theo ông, điều quý giá ở các bức họa là tình yêu phố xưa Hà Nội được xuất phát từ những rung động chân thành nhất. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đánh giá, nếu so về chất lượng hội họa, tranh Văn Xương không thua kém Bùi Xuân Phái, một họa sĩ cùng trường phái. "Ông Văn Xương vẽ Hà Nội với chất sương mù bảng lảng rất điện ảnh, qua những mùa thu, mùa đông được nhìn nhận ở nhiều góc độ, chiều kích", ông phân tích. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét phong cách vẽ tranh bột màu của Văn Xương đầy sáng sủa, tươi mát, là cuốn "album mà chỉ chậm rãi lần giở trong yên lặng mới thấy được cái vị, cái hồn riêng của nó".

Tên triển lãm - Điều kỳ diệu - là tựa đề một bài thơ của vợ ông, văn sĩ Trần Diệu Tiên. Với bà, bản thân buổi triển lãm cũng là một phép màu khi bà được thấy con gái Y Lan tự tay giới thiệu với khán giả những bức tranh của người cha quá cố. Bà Diệu Tiên nói tranh Văn Xương đã lưu giữ nguyên vẹn ký ức về một Hà Nội lúc bà còn là thiếu nữ. "Đó là Hà Nội với những hàng bánh cuốn, với những lời rao: Ai mua hạt dẻ, đậu xanh... không, một Hà Nội 'năm lên 18, khi vừa biết yêu' (lời ca khúc Nỗi lòng người đi)", bà Diệu Tiên chia sẻ.

* Ảnh: Hà Nội thập niên 1950 qua tranh bột màu

Ngoài loạt tranh về Hà Nội, nhiều bức chân dung tự họa của họa sĩ, chân dung vợ và con gái ông cũng được trưng bày. Ngày 23/9, triển lãm sẽ tiếp tục với phần đấu giá và bế mạc vào tối cùng ngày.


Khách dự triển lãm tại TP HCM.

Lê Văn Xương sinh năm 1917, học vẽ từ sớm do gia đình rước thầy về dạy. Gia đình cho biết họa sĩ đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh, làm 100 bức tượng... Văn Xương là một trong những họa sĩ hiếm hoi mở được ba, bốn triển lãm cá nhân vào giữa thế kỷ trước. Một trong những triển lãm gây chú ý là Hà Nội 36 phố phường, được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 1953. Sự kiện thu hút được giới chính khách, đam mê hội họa, với những bài viết trên báo chí đánh giá cao nét cọ của ông. Sự kiện giới thiệu 29 tác phẩm, trong đó chín tác phẩm được bán cho nhiều quan chức thương nhân thời ấy.

Ông còn chơi được các nhạc cụ violin, piano, guitar... Ông qua đời năm 1988 tại TP HCM. Văn Xương được truy tặng huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 1997. Triển lãm Điều kỳ diệu do con gái ông khởi xướng, nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông.

Mai Nhật

Theo vnexpress